Ông Huỳnh Đức Huệ (Năm Huệ) - người trồng thành công nhiều giống bưởi ngon ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - chia sẻ: “Phải chọn trái bưởi vừa chín tới để múi bưởi thêm giòn. Dùng bưởi đường lá cam trộn gỏi sẽ cho hương vị đặc sắc. Nếu không, dùng múi bưởi hồng thay thế cũng khá ngon”.
Trăm nghe không bằng một nếm, chúng tôi đã nhờ đầu bếp ở khu du lịch sinh thái làng bưởi Năm Huệ chế biến một dĩa gỏi bưởi tôm thịt để trải nghiệm. Chao ôi! Chuỗi hương vị chua thơm - cay cay - ngòn ngọt lẫn mằn mặn của nhúm múi bưởi trắng hồng quyện cùng ít xốt nước mắm trỗi lên mượt mà. Cắn tiếp con tôm sú luộc cong mình ửng hồng với vài miếng nạc heo xắt nhỏ đã ngấm đủ gia vị lại càng thêm ngọt bùi du dương. Bẻ thêm miếng bánh phồng tôm kêu cái “rốp” nghe khoan khoái làm sao!
Cái tài tình của món ăn nằm ở chỗ đầu bếp đã phối hợp hài hòa độ chua nhẹ của nước cốt bưởi với độ mặn phù hợp từ xốt nước mắm. Như đã nói, múi bưởi đường lá cam vốn có hậu vị đắng the. Nhờ vậy, nhúm nguyên liệu vàng mọng này vừa kích thích tuyến nước bọt thực khách tuôn trào vừa giúp họ lâu ngán. Chưa hết, phần vỏ bưởi tươi còn được dân Tân Triều tận dụng tối đa.
Gỏi bưởi trộn tôm thịt |
Bao la thức thơm ngon từ vỏ bưởi
Riêng lớp vỏ bưởi màu da hồng xanh bên ngoài sẽ được gọt thành từng sợi mỏng, đem sấy rồi sao qua lửa cho ngả màu hơi vàng để làm trà cùng nhúm nụ bưởi trắng ngà (đã sấy). Nước trà vỏ bưởi có mùi thơm riêng, vị đắng - ngọt, ngừa cảm mạo và tiêu thực khá hiệu quả. Đồng thời, phần vỏ trắng xốp và cùi bưởi được chế biến thành nhiều món ngon như: chè bưởi, nem bưởi, bì bưởi chiên giòn…
Vài người bạn đi cùng còn gọi món bánh bột mì phủ mớ bì bưởi bên trong chiên lên là “bánh mì vỏ bưởi” hay “bánh mì bưởi”. Chiếc bánh cỡ ngón tay cái người lớn, nhìn tựa cái bánh mì que. Gặp bánh mới rời chảo dầu, vừa thổi vừa ăn mới tuyệt! Vỏ bánh giòn giòn, nhân bánh vừa ngọt bùi vừa phảng phất mùi tinh dầu bưởi, chấm với ít tương ớt vô cùng cuốn hút.
Đặc biệt, phần trắng xốp nơi cùi bưởi còn chứa chất xơ hòa tan (pectin). Dù hàm lượng chỉ cỡ 1-2% (ở trái tươi) nhưng mang lại nhiều lợi ích cho người ăn, chẳng hạn giúp hệ tiêu hóa tăng hấp thu dưỡng chất mà lại giảm béo, giảm lượng cholesterol xấu trong máu…
Bì bưởi chiên giòn |
Reo vui cùng lá, hoa
Cũng như lá chanh Bắc, lá bưởi non có vị đăng đắng và dư vị ngòn ngọt. Nó lôi kéo cơn thèm ăn ập đến, nấn ná đến tàn bữa tiệc, nếu sau khoảng 10-15 phút, ta cứ nhai chầm chậm vài cọng lá bưởi non xắt nhuyễn.
Được biết, món gà tre hấp cách thủy trong vỏ bưởi có rắc thêm nhúm lá bưởi non; thịt thỏ hoặc bò nướng trên đá, rắc nhiều lá bưởi non xắt nhuyễn như sợi tóc… thường được nhiều du khách trong, ngoài tỉnh ưa chuộng khi đến Tân Triều.
Bò nướng đá - lá bưởi |
Cô bạn nhà thơ ở TP.HCM đi cùng còn đặt tên khác cho món “bò nướng đá lá bưởi” nơi đây là “bò tóc rối”. Thịt bò mềm ngọt, thanh đậm kết hợp làn hương dễ chịu từ tinh dầu bưởi cùng vị đắng the cũng từ lá bưởi giúp món ăn thêm hấp dẫn.
Song, thanh khiết hơn hết có lẽ là những món ăn thức uống ướp hương hoa bưởi. Tại Tân Triều, nếu canh tác thuận tự nhiên, thường mỗi năm những cây bưởi trưởng thành sẽ ra hai đợt bông: tháng Giêng và tháng Năm - Sáu âm lịch. Tuy nhiên, nhằm dưỡng sức cho cây bưởi nuôi tốt trái, vụ tết ta - đợt bông tháng Giêng - thường bị nhà vườn cắt bỏ. Thế nên, có người chủ động thu gom, sấy nụ bông bưởi để bán cho các điểm thu mua dùng ướp trà hoặc bán dạng tươi cho hàng quán để ủ hương cho món ăn - thức uống.
Đặc sản bưởi đường lá cam Tân Triều |
Người viết đã nếm qua món bồ câu tơ ướp cùng nhúm nụ bông bưởi gần nở với ít muối ớt giã và bột ngọt, hấp trong vỏ bưởi tươi. Món ăn thơm ngào ngạt một góc vườn. Không những vậy, làn hương thanh thoát kia còn luồn sâu vào từng thớ thịt bồ câu. Do đó, người có khẩu vị tinh nhạy chỉ cần thưởng thức một miếng đã luyến nhớ dài lâu.
Bài và ảnh: Tấn Tri