Một số loại thực phẩm giúp tăng lượng huyết sắc tố, đảm bảo lượng hồng cầu trong cơ thể, tốt cho người thiếu máu do thiếu sắt.
1. Giảm huyết sắc tố gây thiếu máu
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), sắt là một khoáng chất có vai trò quan trọng giữ cho các chức năng của cơ thể hoạt động tốt. Khi cơ thể dự trữ đủ sắt cho phép tạo ra các tế bào hồng cầu, mang oxy đến các tế bào và giúp bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực. Ngoài ra, sắt có liên quan đến chức năng miễn dịch khỏe mạnh, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và tập trung tinh thần.
Theo TS. BS Hàn Viết Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học & Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, các tế bào hồng cầu chứa một loại protein gọi là huyết sắc tố. Hemoglobin chứa đầy sắt. Nếu không có đủ chất sắt, cơ thể không thể tạo ra huyết sắc tố cần thiết để tạo ra đủ tế bào hồng cầu đưa máu giàu oxy đi khắp cơ thể.
Chức năng chính của hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào của cơ thể. Hồng cầu chứa một loại protein gọi là hemoglobin chịu trách nhiệm vận chuyển oxy để đảm bảo các tế bào sống hoạt động tốt. Hemoglobin là một loại protein giàu chất sắt có trong các tế bào hồng cầu và chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
Lượng huyết sắc tố thấp sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, cơ thể suy nhược, khó thở...
Khi nồng độ hemoglobin giảm có thể gây ra mệt mỏi, suy nhược, khó thở, đau đầu,... và nếu nồng độ huyết sắc tố giảm đáng kể, tình trạng này có thể được chẩn đoán là thiếu máu. Thiếu máu là sự giảm số lượng tế bào hồng cầu (RBC), được đo bằng số lượng hồng cầu, hematocrit hoặc hàm lượng hemoglobin trong hồng cầu.
Ở nam giới trưởng thành, huyết sắc tố bình thường nằm trong khoảng từ 13 - 17,5g/dL. Với nữ giới, huyết sắc tố bình thường nằm trong khoảng 12 - 15,5g/dL. Đối với trẻ em, phạm vi có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và giới tính.
2. Các thực phẩm giúp tăng cường sản xuất huyết sắc tố tốt cho người thiếu máu
TS.BS Hàn Viết Trung cho biết, để không bị thiếu sắt, cần thiết lập chế độ ăn uống cân bằng với các thực phẩm giàu sắt như thịt, đậu và rau xanh. Để kiểm soát huyết sắc tố và đảm bảo các tế bào cơ thể hoạt động tốt, nên thường xuyên ăn loại thực phẩm có thể giúp tăng huyết sắc tố dưới đây.
2.1 Thực phẩm giàu chất sắt nên là ưu tiên hàng đầu cho người thiếu máu
Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nồng độ hemoglobin thấp. Nhu cầu khuyến nghị chất sắt hàng ngày đối với nam giới trưởng thành (19 - 50 tuổi) là 8mg, với phụ nữ trưởng thành (19 - 50 tuổi) là 18mg. Do đó, điều quan trọng là nên ăn thường xuyên, đa dạng các thực phẩm giàu chất sắt như rau lá xanh, gan động vật, thịt bò, hải sản, đậu phụ, rau bina, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây khô,…
Các thực phẩm chứa nhiều sắt.
2.2 Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C
Sắt không thể được cơ thể hấp thụ hoàn toàn, đó là lý do tại sao nó cần một chất trung gian là vitamin C để giúp hấp thụ tốt. Theo BS. Hàn Viết Trung, ăn thực phẩm giàu chất sắt cùng với thực phẩm giàu vitamin C như cam, cà chua hoặc dâu tây để cải thiện khả năng hấp thụ sắt.
Các loại thực phẩm như cam, chanh, ổi, ớt chuông, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, kiwi, bưởi, quả mọng,... rất giàu hàm lượng vitamin C.
2.3 Lưu ý các loại thực phẩm giàu acid folic
Acid folic (hay folate) là một loại vitamin B phức hợp cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu trong cơ thể. Sự thiếu hụt acid folic có thể dẫn đến nồng độ hemoglobin thấp. Để cung cấp đủ vi chất này, nên tiêu thụ nhiều rau lá xanh, rau mầm, đậu khô, đậu phộng, chuối, bông cải xanh, gan,... thường xuyên hơn.
TS. BS Hàn Viết Trung:
Nên bổ sung thực phẩm giàu folate và vitamin B12 để hỗ trợ sản xuất hồng cầu.
2.4 Lựu là một nguồn dinh dưỡng tốt để sản xuất hồng cầu
Lựu là một nguồn giàu canxi và sắt cùng với protein, carbohydrate và chất xơ. Đây là một trong những thực phẩm tốt nhất để tăng huyết sắc tố, tăng sản xuất hồng cầu. Uống nước ép lựu hàng ngày giúp đảm bảo mức huyết sắc tố ở mức cần thiết.
2.5 Chà là giúp sản sinh huyết sắc tố
Loại trái cây khô có vị ngọt đậm đà này chứa đầy năng lượng và siêu bổ dưỡng. Chà là cung cấp nguồn sắt dồi dào làm tăng nồng độ hemoglobin trong máu. Tuy nhiên, các bác sĩ đều khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường tránh ăn chà là do có hàm lượng đường cao.
2.6 Củ cải đường
Củ cải đường là một trong những cách tốt nhất để tăng nồng độ hemoglobin. Nó không chỉ có hàm lượng sắt cao mà còn có acid folic cùng với kali và chất xơ. Uống nước ép củ cải đường mỗi ngày để đảm bảo lượng máu khỏe mạnh.
2.7 Các loại đậu
Các loại đậu cũng như các sản phẩm từ đậu là nguồn cung cấp sắt tốt. Trong đó, đậu nành, đậu thận và đậu xanh là những loại đậu được khuyên dùng. Tất cả các loại đậu là nguồn cung sắt tuyệt vời cho cơ thể bạn, bao gồm cả đậu nành, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh và những thực phẩm tương tự như đậu đen, đậu đỏ,...
2.8 Dưa hấu giúp tăng huyết sắc tố
Dưa hấu là một trong những loại trái cây giúp tăng hemoglobin tốt nhất nhờ hàm lượng sắt và vitamin C giúp quá trình hấp thu sắt diễn ra tốt hơn và nhanh hơn.
Một số loại thực phẩm có thể cản trở quá trình hấp thụ sắt trong cơ thể. BS Hàn Viết Trung lưu ý, không ăn thực phẩm giàu chất sắt cùng với thực phẩm hoặc đồ uống ngăn cản sự hấp thụ sắt như cà phê, trà, trứng, thực phẩm giàu oxalate và thực phẩm giàu canxi.
Tốt nhất nên hạn chế ăn những thực phẩm này nếu bị nồng độ hemoglobin thấp. Cách tốt nhất để kiểm tra mức huyết sắc tố của bạn là nên kiểm tra y tế 3 tháng một lần.
Thiên Châu