Ngày 3/9, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip được camera hành trình của nhà xe V.H tuyến TP.HCM - Bình Thuận ghi lại cảnh tài xế N.T.B. (53 tuổi) xuất hiện cơn co giật khi đang lái xe chở khách tại TP.HCM.
Sau khi nghe điện thoại, ông B. có dấu hiệu đột quỵ và gục xuống vô lăng. Dù vậy, người lái xe vẫn cố gắng dừng được chiếc xe an toàn, tránh nguy hiểm cho hành khách và người lưu thông trên đường.
Khi xảy ra sự việc, hành khách trên xe không biết cách sơ cứu nên đã gọi cấp cứu, sau đó đưa tài xế vào một bệnh viện tại quận 5. Tối 3/9, cơ quan chức năng thị xã La Gi xác nhận tài xế đã qua đời và được đưa về thị xã La Gi, Bình Thuận an táng.
Hình ảnh nam tài xế lên cơn co giật khi đang lái xe (Ảnh cắt từ clip)
Trước đó, ngày 7/8, một tài xế đang lái xe khách đi từ TP.HCM về Sóc Trăng cũng bị đột quỵ. Tuy nhiên người này vẫn cố gắng đánh lái, đưa xe tấp vào lề đường, giữ an toàn cho hành khách. Sau đó anh được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Đáng chú ý, trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người bị đột quỵ cao nhất với hơn 218 ca/100.000 dân, tuy nhiên số nơi điều trị còn quá ít.
Không những thế, người dân còn chưa chú trọng việc phòng ngừa, điều trị phòng ngừa, xử trí đúng khi gặp người bị đột quỵ....
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng đột quỵ xảy ra với các tài xế chuyên nghiệp là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người (cùng trên xe, và đang giao thông trên đường).
Một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy tỉ lệ đột quỵ xảy ra ngay khi lái xe là 4%. Trong đó 16% số trường hợp đã gây ra tai nạn giao thông sau đó.
Qua trường hợp này, PGS Thắng cho rằng cần thiết phải có chế độ kiểm tra định kỳ các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử co giật … cho những tài xế chuyên nghiệp ngoài việc kiểm tra thị lực, thính lực.
PGS Thắng cũng khuyến cáo khi chúng ta phát hiện các bệnh nhân đột quỵ, việc quan trọng nhất nên làm là nhanh chóng gọi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Trong thời gian này, chúng ta cho bệnh nhân nằm nghiêng, đo huyết áp, tuyệt đối không được áp dụng phương pháp phản khoa học như dùng dao lam cắt sâu các đầu ngón tay, cạo gió..., làm trì hoãn thời gian vàng của bệnh nhân.
Thúy Ngà