Số trẻ em mắc COVID-19 nặng tăng đột biến ở Mỹ: Biến thể Delta có phải 'thủ phạm'?

10/08/2021 01:17
Sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em khiến các bác sĩ Mỹ lo lắng, đặc biệt là khi giờ đang là đỉnh dịch cúm mùa. Các bác sĩ nhi nói rằng tác động của COVID-19 đối với trẻ em có thể "vượt xa những gì bệnh cúm từng gây ra".

 

Số trẻ em nhiễm COVID-19 nặng nhập Bệnh viện Nhi đồng New Orleans (Mỹ) đã bùng nổ trong hai tuần qua - từ 0 lên 20 ca, NBC News đưa tin.

Tiến sĩ Mark Kline, bác sĩ đứng đầu tại bệnh viện, cho biết: "Tôi chưa từng thấy điều này trong quá khứ. Chúng tôi đang tiếp nhận ​​những đứa trẻ bị bệnh nặng – điều mà chúng tôi chưa từng chứng kiến trong năm đầu tiên của đại dịch, trước khi biến thể Delta xuất hiện".

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Trẻ em Orlando Health Arnold Palmer ở ​​Florida (Mỹ) cũng chứng kiến ​​sự gia tăng tương tự trong thời gian gần đây. Tiến sĩ Federico Laham, giám đốc y tế của bệnh viện, cho biết: "Hai tuần gần đây, các ca bệnh tiếp tục gia tăng. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã đến đỉnh dịch".

Số trẻ em mắc COVID

Số trẻ em nhiễm COVID-19 nặng nhập Bệnh viện Nhi đồng New Orleans (Mỹ) đã bùng nổ trong hai tuần qua. (Ảnh minh họa)

Bất chấp sự gia tăng đáng kể của số ca bệnh, tiến sĩ Laham và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa khác trên toàn nước Mỹ nói với NBC News rằng chưa có bằng chứng chắc chắn rằng biến thể Delta đã biến virus thành một thứ nguy hiểm hơn với trẻ em.

"Còn quá sớm để khẳng định", Tiến sĩ Bernhard Wiedermann, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Washington, DC, cho biết. "Sẽ mất thời gian và thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn để biết" liệu biến thể Delta có độc lực cao hơn ở trẻ em so với các phiên bản trước của virus hay không, ông Wiedermann nói.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang cố gắng xác định xem liệu biến thể Delta có thể gây ra bệnh nặng hơn ở trẻ em hay không, Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC Mỹ, cho biết trong cuộc họp hôm 5/8.

Bà Walensky nói thêm rằng nghiên cứu về vấn đề này trở nên phức tạp hơn bởi sự kết hợp của số ca bệnh gia tăng và việc nới lỏng các hạn chế. Bà Walenksy cho biết: "Các chiến lược nhằm giảm thiểu số ca mắc đã được áp dụng vào mùa hè năm ngoái, thậm chí vào mùa đông, đã không được áp dụng trong nhiều lĩnh vực… vào lúc này".

Số trẻ em mắc COVID

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang cố gắng xác định xem liệu biến thể Delta có thể gây ra bệnh nặng hơn ở trẻ em hay không. (Ảnh minh họa)Biến thể Delta là 'cơn ác mộng tồi tệ nhất' của bác sĩ

Các chuyên gia cho biết điều rõ ràng lúc này là sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em là do tính dễ lây lan của biến thể Delta, lưu hành trong một quần thể chưa được tiêm vaccine và do đó, dễ bị nhiễm virus.

Tiến sĩ Paul Offit, một nhà nghiên cứu vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), cho biết: "Nếu nhiều trẻ em bị bệnh nặng hơn, đó chỉ đơn giản là nhiều trẻ em bị bệnh hơn. Rõ ràng là nó (biến thể Delta) tăng khả năng lây lan chứ không phải tăng độc lực".

Trẻ em đã dễ bị nhiễm COVID-19 từ lâu. Theo dữ liệu mới nhất của Học viện Nhi khoa Mỹ, hơn 4,1 triệu trẻ em đã được chẩn đoán mắc COVID-19 ở Mỹ kể từ khi bắt đầu đại dịch, chiếm 14,3% tổng số ca bệnh.

Từ ngày 15 tháng 7 đến ngày 29 tháng 7, tỷ lệ đó đã tăng lên 19% số ca nhiễm được báo cáo hằng tuần.

Tiến sĩ Kline, đến từ Bệnh viện Nhi đồng New Orleans, nói: "Trong suốt năm đầu tiên của đại dịch, nhiều người tin rằng trẻ em không bao giờ bị bệnh nặng do COVID-19". Lý do chủ yếu là vì do số trẻ em nhiễm bệnh tương đối thấp.

Ông nói thêm: Vì biến thể Delta rất dễ lây lan, sự gia tăng số ca bệnh cho thấy ‘tiềm năng’ của virus, ngay cả ở trẻ nhỏ hay trẻ khỏe mạnh.

"Biến thể Delta này là cơn ác mộng tồi tệ nhất của chuyên gia bệnh truyền nhiễm", tiến sĩ Kline nói.

Sự gia tăng số ca bệnh COVID-19 ở trẻ em xảy ra vào thời điểm các em chuẩn bị quay trở lại trường học – và ở nhiều khu vực của nước Mỹ, các em sẽ không cần đeo khẩu trang. Hơn nữa, các bệnh viện nhi ở Mỹ cũng đang tràn ngập các em bị bệnh do virus đường hô hấp khác, chẳng hạn như cảm lạnh nặng, viêm thanh khí phế quản và RSV.

Số trẻ em mắc COVID

Vì biến thể Delta rất dễ lây lan, sự gia tăng số ca bệnh cho thấy ‘tiềm năng’ của virus, ngay cảở trẻ nhỏ hay trẻ khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Evan Anderson, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại hệ thống Chăm sóc sức khỏe trẻ em Atlanta, cảnh báo rằng các loại virus này có thể làm quá tải các bệnh viện nhi vốn đang rất đông bệnh nhân.

Tiến sĩ Anderson cho biết: "Nhiều bệnh viện dành cho trẻ em trở nên khá đông đúc trong những tháng mùa đông thông thường vì cúm, RSV và các virus gây bệnh đường hô hấp khác. Với sự gia tăng thêm của COVID-19, sẽ có những lo ngại lớn về năng lực của bệnh viện".

Tiến sĩ Kline đồng ý. Ông nói: "Trẻ em không có nhiều lựa chọn khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu chúng mắc bệnh nặng hoặc gặp phải tình trạng y tế phức tạp. COVID-19 đang lấp đầy những chiếc giường bệnh mà nếu không có COVID-19, các trẻ em mắc các bệnh khác có thể được nằm".

Tác động của việc gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19, cùng với các loại virus khác, khiến các bác sĩ nhi khoa như Tiến sĩ Natasha Burgert, phát ngôn viên quốc gia của Học viện Nhi khoa Mỹ, lo lắng.

Burgert nói: "Chúng tôi bắt đầu thấy những đứa trẻ mắc cả COVID-19 và RSV và không khỏe chút nào. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu các em mắc COVID-19 và cúm".

Mặc dù bệnh cúm có thể gây ra bệnh nặng ở trẻ em, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, Burgert nói rằng những tác động tiềm ẩn của COVID-19 "vượt xa những gì bệnh cúm từng gây ra".

Bà nói: "Mặc dù COVID-19 có các triệu chứng giống cúm, nhưng COVID-19 không phải là cúm".

Burgert và các đồng nghiệp đều chỉ ra rằng trẻ bị COVID-19 có thể phát triển hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, hay còn gọi là MIS-C.

Đó là khi trẻ phát triển chứng viêm nguy hiểm xung quanh tim và các cơ quan khác, thường là vài tuần sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng điều nguy hiểm là nhiều khi bệnh nhân không biết mình đã nhiễm virus vì các em không có triệu chứng hoặc triệu chứng cực kỳ nhẹ.

"Ban đầu, các em có thể trông rất ổn, nhưng sau đó, các em hoàn toàn có thể phải nằm đơn vị chăm sóc đặc biệt trong 3 tuần với suy nội tạng", tiến sĩ Nicole Baldwin, một bác sĩ nhi khoa ở Cincinnati nói.

 

Theo xahoi.com.vn

Số trẻ em mắc COVID-19 nặng tăng đột biến ở Mỹ: Biến thể Delta có phải 'thủ phạm'? - Sức Khỏe