Nữ nhà giáo và nỗi niềm riêng

08/03/2023 11:12
Nhiệm vụ chuyên môn luôn hoàn thành tốt, thậm chí là GV dạy giỏi, song nhiều nữ GV vùng khó lại không thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình...

 

Nữ nhà giáo và nỗi niềm riêng

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé. Ảnh: TG

Họ khát khao được chuyển vùng để về gần nhà, được làm mẹ, làm dâu, làm vợ đúng nghĩa. Những nguyện vọng mặc dù chính đáng này lại là “bài toán” khó…

Thanh xuân trên bản

Hơn 10 năm trước, cô gái trẻ Lường Thị Ngọc tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Ngược núi lên huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) nhận công tác, cô Ngọc được phân công giảng tại Trường Mầm non Noong U. Những ngày đầu vào nghề, cô một mình phụ trách điểm trường Tà Té B.

“Ngày ấy, điểm trường là một gian nhà mái tranh, vách nứa. Trong lớp vỏn vẹn gần chục học sinh người Mông không biết nói tiếng phổ thông. Tôi lại là dân tộc Thái nên bất đồng ngôn ngữ”, cô Ngọc nhớ lại.

Tà Té là bản đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã chừng 35km, toàn bộ là đường đất, xuyên rừng. Việc đi lại vô cùng khó khăn, nhiều lần gặp mưa, cô Ngọc phải “cuốc bộ” đến trường dạy học.

Sau nhiều năm, được các cấp quan tâm đầu tư, Tà Té đã thay đổi nhiều. Song cô Ngọc thừa nhận, cuộc sống, sinh hoạt của giáo viên ở đây vẫn vô cùng vất vả. Trung bình mỗi tuần, cô về thăm nhà một lần. Vào mùa mưa lũ, lịch trình bị đảo lộn, giãn cách từ vài ba tuần, có khi vài tháng mới về một lần. Sự xa cách khiến cô không thể hoàn thành trách nhiệm với gia đình nhỏ.

“Mùa mưa năm 2013, khi ấy con gái tôi chưa đầy 2 tuổi bị ốm nặng và phải nhập viện. Thương con đứt ruột nhưng trời mưa triền miên, đường không đi nổi. Vả lại, tôi phụ trách 1 điểm bản, nếu về thì vài chục học sinh không ai chăm lo. Nghĩ đủ đường, cuối cùng tôi quyết định ở lại, con đành giao khoán cho chồng và ông bà”, cô Ngọc nhớ lại.

Hơn 10 năm công tác tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) là chừng đó thanh xuân cô giáo Đỗ Thị Thanh Ngoan (quê Hải Phòng) dành trọn cho học trò biên giới. Ngày nộp hồ sơ, do thiếu giáo viên tiểu học, nên mặc dù có bằng đại học Sư phạm (chuyên ngành Ngữ văn) nhưng cô Ngoan lại được tuyển dụng làm giáo viên tiểu học. Theo phân công của tổ chức, cô nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Chung Chải. Sau 6 năm, tổ chức lại điều động, biệt phái cô đến Trường PTDTBT THCS Nậm Vì (xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé) giảng dạy.

Những năm sau đó, cô liên tiếp được luân chuyển qua nhiều địa bàn. Đa phần đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Mỗi lần như thế không kéo dài, chỉ từ 1 học kỳ đến 1 năm học. Có lẽ, cũng bởi sự biến động thường xuyên khiến cô Ngoan chưa thể tìm được bến đỗ cho mình. Cơ hội vốn đã ít lại càng khó khăn hơn khi tuổi ngày một nhiều. Để động viên mình, thâm tâm cô luôn nghĩ “chắc là duyên chưa tới!”.

Giáo viên Trường Tiểu học số 2 Mường Mươn (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) đến nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: TGĐau đáu “nỗi niềm riêng”

Như bao giáo viên từ miền xuôi lên dạy học cho trẻ em vùng sơn cước, mỗi năm cô Ngoan thường tranh thủ về thăm quê vào dịp hè, Tết. Để có được khoảng thời gian ngắn ngủi bên bố mẹ, cô phải 6 lần lên xuống xe, với quãng đường hơn 800km.

Khẳng định Mường Nhé là thanh xuân, với nhiều kỷ niệm, tình yêu thương mà có lẽ cả đời làm giáo viên không đâu có được, song cô Ngoan cũng thừa nhận suốt hành trình ấy bản thân không thôi nuôi dưỡng khát vọng trở về quê, để được gần gia đình.

“Ở đâu cũng là dạy học. Nhưng con người ai mà không mong muốn được gần gia đình, phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Tôi cũng muốn có cơ hội xây dựng gia đình, chăm sóc cho tổ ấm riêng của mình. Mỗi năm trôi qua, cơ hội lại càng ít đi. Mà cứ ở biên giới thì bao giờ mới thực hiện được”, cô Ngoan giãi bày.

Cũng có hơn 10 năm gắn bó với học trò biên giới Mường Nhé, song cô Nguyễn Thị Thương, Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn lại có nỗi niềm riêng. Ngẫm lại những năm tháng đã qua, nữ nhà giáo không thể nghĩ mình có thể “can trường” đến thế.

Một giờ lên lớp của cô Nguyễn Thị Thương, Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Ảnh: TG

“Những ngày đầu đến lớp, học sinh đa phần đều không biết tiếng phổ thông. Tôi phải dạy từ đi đứng đến chào hỏi, cầm bút. Nhiều lần cũng nản, nhưng rồi nghĩ học sinh như con mình, lại thiếu ăn, thiếu mặc... các em còn nhỏ, đi lại khó khăn, phải lên dốc, xuống đèo, qua suối nhưng vẫn đến trường. Thương trò nghèo khó mà cố gắng”, cô Thương nhớ lại.

Cô Thương may mắn tìm được một nửa của mình, xây dựng tổ ấm nhỏ ở biên giới. Nhưng hạnh phúc cũng không trọn vẹn, bởi cả 2 con của cô chỉ được gần bố mẹ 15 tháng đầu đời. Vì hoàn cảnh, bọn trẻ phải ở quê cùng ông bà. Không chỉ thiếu thốn tình cảm, chúng thiếu đi bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ.

Nhiều lúc nhìn học sinh, cô Thương không khỏi chạnh lòng. Rồi những lần nghe người khác nói “Con mình không chăm, đi chăm con thiên hạ”, cô lại rơi nước mắt. Nhưng xót xa hơn cả là lời trách cứ của con khi chưa một lần được mẹ đi họp phụ huynh. Cứ nghĩ đến con, cô lại thắt ruột, nhất là những lần chúng đau ốm, gặp sự cố.

Trong những ngày khó khăn ấy, cô Thương lại đau đáu ý định “bỏ về xuôi”. Rồi vì nhớ trường lớp, học trò mà cô lặn lội bắt xe quay ngược trở lại. Gắn bó với biên giới, cô cũng nhận ra khoảng cách giáo dục “rất xa” giữa học sinh miền núi với khu vực đồng bằng. Đó cũng lý do để cô lần khất nán lại.

“Tôi cũng muốn gắn bó với vùng đất này. Nhưng 2 năm vừa rồi bố mẹ già yếu, ốm đau triền miên. Các anh chị đều ở xa, không có người chăm sóc. Tôi công tác cũng không thể yên tâm, lỡ mà ông bà xảy ra vấn đề gì thì hối hận lắm. Trách nhiệm làm con, buộc tôi phải về”, cô Thương bộc bạch.

Giáo viên Trường Mầm non Hua Thanh, huyện Điện Biên chăm sóc giấc ngủ cho học sinh. Ảnh: TGĐi vướng núi, về mắc sông

Xác định vậy, nên ngay khi nghe tin trường gần nhà sắp có giáo viên nghỉ hưu, sẽ trống vị trí, cô Thương quyết định nộp đơn xin chuyển vùng, dẫu biết cơ hội rất mong manh và có nhiều “cạnh tranh”. “Nếu mình không quyết thì cũng chẳng biết đến bao giờ mới có cơ hội. Thế nên tháng 1, tôi đã nộp đơn xin chuyển vùng. Hiện vẫn chờ huyện xem xét”, cô Thương tâm sự.

Còn cô Đỗ Thị Thanh Ngoan chia sẻ: Lá đơn xin chuyển vùng đầu tiên được cô gửi đi từ năm 2015. Khi ấy cũng vì nghe tin ở quê có cơ hội vị trí việc làm phù hợp. Nhưng đến năm 2022, hồ sơ của cô vẫn chưa thể giải quyết do vướng mắc giấy tờ. Suốt thời gian ấy, nhiều lần cô Ngoan đi lại nộp đơn, trình bày nguyện vọng rồi về chờ đợi trong vô vọng.

“Tôi tốt nghiệp đại học Ngữ văn, nhưng quyết định tuyển dụng lại là giáo viên tiểu học. Hồ sơ không thống nhất nên chưa đảm bảo thủ tục chuyển vùng. Về phía phòng GD&ĐT cũng hứa sẽ tạo điều kiện để giải quyết nhưng vẫn chưa có kết quả”, cô Ngoan trải lòng.

Năm này, tháng nọ đằng đẵng trôi qua trong sự mòn mỏi chờ đợi. Điều khiến cô Ngoan trăn trở nhất là bố mẹ ở quê tuổi ngày càng cao, sức khỏe đang dần suy kiệt. Đầu năm 2022, một lần nữa nghe tin ở quê có vị trí việc làm phù hợp, cô Ngoan đã quyết định nghỉ việc, chấp nhận “bắt đầu lại” để được gần gia đình. “Cũng trăn trở, tiếc nuối nhiều, nhưng bố mẹ tôi không có nhiều thời gian chờ đợi và cơ hội với tôi thì càng không thể đến lần thứ ba”, cô Ngoan nói.

Khát khao, mong muốn là chính đáng, song chặng đường về xuôi của nhiều cô giáo ở vùng khó Điện Biên lại gian nan như chính con đường đi bản mỗi ngày. Phần vì không tìm được nơi tiếp nhận phù hợp, nhiều trường hợp lại vướng mắc thủ tục, giấy tờ. Theo chia sẻ của ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, hàng năm trên địa bàn đều ghi nhận trường hợp chuyển vùng.

“Do đa phần giáo viên địa bàn đều ở vùng ngoài nên việc có nguyện vọng chuyển vùng, về gần gia đình là dễ hiểu. Hiện tiêu chuẩn chuyển vùng đối với giáo viên địa phương được áp dụng theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP Chính phủ. Hàng năm chúng tôi sẽ xem xét, giải quyết cho các trường hợp trong khoảng thời gian giữa hai kỳ học và nghỉ hè để không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy”, ông Chùy cho hay.

Mặc dù thấu hiểu, tạo điều kiện, song ông Chùy cũng thừa nhận không thể giải quyết cho các trường hợp trong “một sớm một chiều”. Một số người gặp vướng mắc về điều kiện, giấy tờ, không thuộc thẩm quyền nên buộc phải chờ đợi và tìm cách hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ.

Còn theo cô giáo Tòng Thị Nọi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, việc giáo viên đi hay ở, nhà trường đều không can thiệp sâu, vì đây là nguyện vọng chính đáng. Thêm nữa, thấu hiểu những thiệt thòi, vất vả của cô giáo vùng khó, nên với mỗi trường hợp có tâm tư, nguyện vọng chuyển vùng, Ban giám hiệu nhà trường đều cảm thông, chia sẻ.

“Giáo viên mầm non vốn đã vất vả, ở vùng khó lại càng thiệt thòi hơn. Đặc biệt là với nữ nhà giáo phải công tác xa nhà, thiệt thòi đủ đường. Nếu gia đình hiểu, chia sẻ không sao, cô nào không được may mắn thì phải bỏ nghề. Đa phần các cô xin chuyển vùng đều có nhiều năm công tác, cống hiến tại địa bàn, đảm bảo đủ yêu cầu về thời gian. Thế nên, khi các cô xin chuyển, nhà trường rất tiếc nhưng đều cố gắng hoàn tất thủ tục sớm để không mất đi cơ hội. Những trường hợp vì vướng mắc mà chưa thể đi, chúng tôi chỉ biết động viên khích lệ tinh thần, giúp các cô yên tâm công tác”, cô Nọi chia sẻ.

“Hầu hết giáo viên nữ vùng khó đều ít nhất một lần rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Với những cô giáo độc thân, việc phải đánh đổi hạnh phúc riêng, dành trọn thanh xuân cho học sinh là điều dễ hiểu. Còn đa phần giáo viên có gia đình thì chỉ hoàn thành được nhiệm vụ ở trường. Trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ... đành bỏ lỡ”, cô Ngọc chia sẻ.

Theo Nguồn baomoi.com

Nữ nhà giáo và nỗi niềm riêng - Đời Sống