Chị là người miền Trung, kỹ tính, thật thà và rất chịu khó. Mỗi ngày, chị lau nhà gần như cố định 5 lần: 6g sáng khi vừa ngủ dậy, lúc cả nhà ăn sáng xong, sau bữa cơm trưa, sau giấc ngủ chiều và trước khi cả nhà đi ngủ tối chị lau lại 1 lần nữa.
Vì gia đình tôi sống trong một căn hộ diện tích không lớn, nên thời gian đầu tôi thấy việc ấy cũng không quá mất sức chị, dù có lúc tôi nói đùa với chị, rằng chị bị... OCD rồi.Thế nhưng, đấy chỉ là những lần cố định. Nếu thằng bé con tôi lỡ làm rơi đĩa thức ăn hay đổ ly nước ra sàn, chị sẽ lau lại toàn bộ sàn nhà một lần nữa dù chị vừa lau xong cách đó 30 phút.
Mỗi ngày, chị giúp việc lau nhà ít nhất 5 lần (ảnh minh họa) |
Lúc chưa có chị hoặc với những người giúp việc trước đó, tôi đều đề nghị quần áogiặt bằng máy cho đỡ mất sức. Nhưng chị thì không chịu."Để chị giặt tay cho sạch" - chị nói thế. Dĩ nhiên, tôi thích chứ, vì quần áo giặt máy sao sạch bằng giặt tay, giặt máy lại khiến nhanh hỏng vải. Giặt xong, quần áo khô, chị thu vào gấp, xếp, phân loại rất gọn ghẽ... Mẹ tôi nói, phải tích phước lắm mới gặp được chị, nhất là trong giai đoạn công việc của tôi có nhiều thay đổi và căng thẳng, việc nhà hầu như tôi "khoán" cho chị.
Tôi cũng thấy thế, cho đến khi qua tháng thứ 2 chị bước vào nhà tôi. Cái cảm giác vì chị đã dành quá nhiều công sức để dẹp gọn gàng mọi đồ vật, đã lau nhà rất nhiều lần khiến tôi cứ phải rón rén trong mọi sinh hoạt, vì sợ... có lỗi với chị.
Uống nước xong vừa đặt ly xuống, chưa kịp để vào khay, chị Thúy đã xuất hiện, cầm lấy xếp vào. Tôi vừa bước vào nhà, vì vội cất các túi đồ mua ở siêu thị cho nhẹ tay mà chưa kịp xếp dép lên kệ, quay lưng lại đã thấy chị làm việc đó.
Đến mức, chúng tôi không còn dám cho phép mình lơ là hay chểnh mảng. Thậm chí, lần nọ, vừa bước vào toilet, bỗng dưng mẹ tôi hoảng hốt quay qua hỏi: "Nãy uống xong mẹ đã xếp ly vào khay chưa con nhỉ?". Không chỉ tôi, bà cũng "ám ảnh" với việc phải gọn gàng trong tức khắc.
Nhưng bao nhiêu đó chưa là gì cả. Tôi đi làm, có hôm 7 - 8 giờ tối mới về đến nhà, người mệt rã rời nên chỉ muốn nằm một chút trước khi làm những việc khác.
Nhưng không, chị sẽ hối: "Ăn cơm luôn đi em, để chị còn dọn", hoặc "Tắm đi em, rồi bỏ đồ ra để chị giặt kẻo trễ"... Tôi đề nghị chị cứ dọn, chén bát, còn lại chút nữa tôi sẽ tự rửa. Quần áo chị cũng cứ giặt lúc nào chị muốn, đồ dơ nào còn lại, cứ để đó cho ngày mai. Nhưng, chị bảo, chị không thể chấp nhận được việc mình đi ngủ mà nhà còn đồ dơ. Vì thế chị sẽ cứ ngồi đó, chờ tôi trong sự buồn rầu và không vừa ý, kiểu như bị... ức hiếp. Còn nếu tôi bảo quần áo dơ tôi sẽ tự giặt sau khi tắm để khỏi phiền chị, thì chị lại dỗi!Thế là, dù người có mệt rũ đến thế nào, tôi vẫn phải ăn cơm đúng "deadline" của chị, phải tắm trước khung giờ chị cần...Rất nhiều hôm, tôi lùa miếng cơm mà không chút cảm giác gì vì người đang quá mệt. Mẹ tôi nay đã hơn 70 tuổi, sau những ngày đầu thấy mình "may phước", cũng rơi vào căng thẳng và áp lực. Chúng tôi đã ngồi lại, tỉ tê cùng chị với hy vọng rằng chị cứ... cẩu thả, bớt kỹ tính một tí, nhưng không ăn thua.Căng thẳng vì giúp việc quá kỹ tính - chuyện thật như đùa ấy nói ra nghe khó tin, nhưng suốt 1 năm chị ở cùng, tôi cứ phải luôn phân vân giữa việc giữ chị lại hay cho chị nghỉ. Tôi cần chị, nhất là chị hầu như không hề mắc lỗi gì, lại rất thật thà, nhưng đồng thời tôi cũng có cảm giác ngộp thở với chị.Cái ngày chị xin nghỉ việc vì ba chị đổ bệnh nên chị phải về chăm ông, tôi gửi chị quà biếu và thêm tháng lương, trong lòng cũng có chút nuối tiếc, nhưng thú thật là cảm thấy mình như được giải thoát!Võ Thị