Chuyện đời Lưu Nga được nhiều khán giả quan tâm nhờ phim Mộng hoa lục, ra mắt hồi tháng 6. Tác phẩm xoay quanh thân phận phụ nữ thời Tống, sự nỗ lực vươn lên của những cô gái xuất thân thấp kém nhưng tài năng, dũng cảm, trong đó có nhân vật hoàng hậu.
Lưu Kha Quân đóng hoàng hậu trong "Mộng hoa lục". Video: QQ
Theo Sohu, hình tượng hoàng hậu trong Mộng hoa lục gần với nguyên mẫu đời thực. Theo sách Tống sử, tên của hoàng hậu chưa được xác thực, dân gian lưu truyền tên bà là Lưu Nga. Cha mẹ Lưu Nga mất sớm, từ nhỏ nàng biểu diễn mua vui phục vụ người giàu có. Giọng hát Lưu Nga được miêu tả say đắm lòng người. Nàng còn còn múa đẹp, chơi đàn hay.
Thời niên thiếu, Lưu Nga cưới thợ đúc bạc tên Cung Mỹ. Vợ chồng đến kinh thành mưu sinh. Việc làm ăn khó khăn, Cung Mỹ dự tính bán Lưu Nga cho người khác. Bấy giờ, một người thân cận của Hàn vương Triệu Hằng (con thứ ba của vua Tống Thái Tông, sau này thành hoàng đế Tống Chân Tông) giới thiệu Lưu Nga cho Hàn vương. Hoàng tử thích Lưu Nga từ lần đầu gặp mặt.
Tranh hoàng hậu Lưu Nga hiện trưng bày ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc, gương mặt bà phủ lớp voan màu đỏ. Ảnh: HK01
Tống Thái Tông thấy Triệu Hằng gầy gò xanh xao, tra hỏi ai ở bên cạnh hoàng tử. Nhũ mẫu của Triệu Hằng vốn không thích Lưu Nga, bèn kể lại chuyện nàng vào phủ. Nhà vua tức giận vì hoàng tử qua lại với người đàn bà xuất thân thấp hèn, lai lịch không rõ, lệnh đuổi Lưu Nga khỏi vương phủ, ban hôn sự "môn đăng hộ đối" cho Triệu Hằng. Triệu Hằng vừa không dám trái lời phụ hoàng vừa không nỡ rời xa Lưu Nga, bèn sắp xếp cho nàng ở nhà người quen, thi thoảng trốn gặp nàng.
Năm 997, Tống Thái Tông băng hà, thái tử Triệu Hằng nối ngôi, hiệu Tống Chân Tông. Sau đó, nhà vua đón Lưu Nga vào cung. Bấy giờ, hậu cung có Quách hoàng hậu và các phi tần, Lưu Nga không có danh phận.
Tới năm 1004, nàng được phong làm tứ phẩm mỹ nhân, tiếp đó làm Đức phi. Năm 1007, hoàng hậu qua đời, Tống Chân Tông muốn lập Lưu Nga làm hoàng hậu nhưng nhiều trọng thần phản đối vì bà "xuất thân hèn hạ", không xứng làm mẫu nghi thiên hạ. Việc lập hoàng hậu dẫn đến đua tranh, thù oán giữa các phe phái trong triều.
Lưu Nga được hoàng đế sủng ái nhưng không có con. Năm 1010, người hầu Lý Thị của Lưu Nga được vua thị tẩm, sinh con trai Triệu Trinh - hoàng tử duy nhất bấy giờ (các hoàng tử khác chết khi còn bé). Tuy nhiên, vua và hoàng hậu công bố Triệu Trinh là do hoàng hậu sinh. Lý Thị tự nhận vô phúc, cuối đời cũng không được nhận mẹ con với Triệu Trinh.
Năm 1012, Lưu Nga được phong làm hoàng hậu Chương Hiến Minh Túc. Bà xử lý việc ở hậu cung thấu tình đạt lý, được nể sợ. Lưu Nga còn thông minh, am hiểu chính sự. Hoàng hậu luôn cùng Tống Chân Tông phê duyệt tấu chương, giải quyết việc triều chính. Nhà vua ngày càng tin tưởng, trọng dụng bà. Khi vua ốm yếu, chính sự do Lưu Nga quyết định.
Nhiều quan trong triều phản đối hoàng hậu can dự việc quốc gia, hai phe hoàng hậu và tể tướng Khấu Chuẩn đấu đá quyết liệt. Thế lực của hoàng hậu ngày càng lớn mạnh, một số quan phản đối bà bị bãi chức, rời khỏi kinh thành.
Năm 1022, Tống Chân Tông băng hà, di chúc chặn "hoàng hậu thành hoàng thái hậu, việc quân sự, việc lớn do hoàng thái hậu quyết định". Lưu Nga và vua Tống Nhân Tông (bấy giờ 12 tuổi) cùng lâm triều, quyền lực thực tế nằm trong tay thái hậu. Năm 1033, thái hậu qua đời. Trước đó, bà cho khôi phục lại chức quan của những người từng là đối thủ chính trị của mình.
Lưu Nga là hoàng thái hậu đầu tiên nhiếp chính trong lịch sử thời Tống. Hậu thế thường xếp tài năng, địa vị của Lưu Nga với Lữ hậu và Võ Tắc Thiên. Bà được các sử gia đánh giá "có tài như Lữ, Võ nhưng không ác như Lữ, Võ".
Theo QQ, Hình tượng Lưu Nga xuất hiện trong khoảng 40 phim điện ảnh, truyền hình. Ngoài Mộng hoa lục, có Tân Bao Thanh Thiên 2008, Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên, Đại Tống cung từ, Thanh bình nhạc, Phủ Khai Phong...
Nghinh Xuân