Mặc dù đã được lọc máu và thay huyết tương nhưng bệnh nhi ngộ độc nấm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vẫn chưa thoát nguy hiểm.
Các trường hợp ngộ độc nấm là bệnh nhi 12 tuổi (ngụ tại Đồng Nai) và bệnh nhi 10 tuổi (ngụ tại Tây Ninh) đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Trong đó, bé gái 10 tuổi nhập viện trong bệnh cảnh rất nặng vì tổn thương gan thận, rối loạn tim mạch và hệ thần kinh. Em bị nôn ói, đau bụng, rối loạn tri giác sau khi ăn nấm được hái trong vườn nhà. Trẻ được lọc máu, thay huyết tương, điều trị hồi sức nhưng đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện.
Bệnh nhi 12 tuổi được xác định đã ngộ độc gyrommitrin sau khi ăn nấm mọc trên xác ve sầu. Người mẹ cũng nhập viện ở địa phương ngay sau bữa ăn. Em được chuyển lên TP.HCM vào ngày 8/6 trong tình trạng nặng, hôn mê, rối loạn nhịp tim nặng, tổn thương gan thận.
"Hiện tại tình hình vẫn chưa khả quan hơn. Chúng tôi thường xuyên hội chẩn với bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy và đang nỗ lực hết sức để điều trị cho các em”, một bác sĩ cho biết.
Loại nấm khiến bệnh nhi 12 tuổi ở Đồng Nai nhập viện. Ảnh: BVCC.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ cũng đã xác định độc tố trong vụ 3 người ở Tây Ninh nhập viện sau bữa ăn có nấm xào mướp.
Các bệnh nhân được chuyển lên TP.HCM vào ngày 6/6 và chẩn đoán nhiễm độc tố thuộc nhóm amanitin toxin dựa trên tình trạng và diễn tiến. Ê-kíp đã tiến hành điều trị đặc hiệu với thuốc NAC và các biện pháp hỗ trợ tích cực khác như thuốc bổ gan, chống rối loạn đông máu, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương...
Tuy nhiên, do đến viện quá trễ, tổn thương gan quá nặng, không đáp ứng với điều trị nên hai vợ chồng bệnh nhân đã tử vong. Riêng người con gái 17 tuổi cải thiện dần sau thời điều trị tích cực. Em đã xuất viện theo nguyện vọng.
Như VietNamNet đưa tin, thời gian qua các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận nhiều ca ngộ độc nấm bao gồm cả trẻ nhỏ và người lớn. Trong đó, hai người đã tử vong là cặp vợ chồng ở Tây Ninh, chưa xác định được loại nấm độc. Một số trường hợp khác phải cấp cứu sau khi ăn nấm mọc ra từ xác ve sầu vì tưởng là đông trùng hạ thảo.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân chỉ sử dụng nấm hoặc đông trùng hạ thảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn và tính mạng.
Lý do liên tiếp có nạn nhân ngộ độc khi ăn nấm giống đông trùng hạ thảoChưa đầy một tháng, khoảng 10 người đã nhập viện ở nhiều nơi vì nôn ói, đau bụng, yếu cơ sau khi ăn nấm lạ trong vườn. Người bệnh cho biết đã ăn nấm vì tưởng đào được đông trùng hạ thảo.
Bình luận