Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

05/04/2021 11:08
Phát hiện mắc ung thư máu ở tuần thai kỳ 37, 2 ngày sau đó, cô giáo Ngọc Lan bước lên bàn mổ bắt con với tâm thế Mình muốn được sống. Chưa bao giờ, khát vọng sống lại lớn lao đến như vậy.

 

"Mình ước hôm nay chỉ là một giấc mơ và mai thức dậy lại là một ngày mới".

Cô giáo Tiếng Anh Lưu Ngọc Lan, 30 tuổi, phát hiện mắc ung thư máu ở những tuần cuối thai kỳ. 29 năm trước, cô nói rằng luôn được sống trong thế giới màu hồng, chưa từng biết giông bão là gì, được bố mẹ yêu thương hết mực, gặp một người chồng ấm áp luôn ở bên. Cô hạnh phúc với công việc dạy học, bên cạnh những học trò đáng yêu, cùng chồng gây dựng một sự nghiệp đam mê và đầy ý nghĩa.

"Mình luôn tự tin nghĩ bản thân là người may mắn, hạnh phúc nhất", cô nói.

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Cô giáo Lưu Ngọc Lan chia sẻ câu chuyện với phóng viên

200 đơn vị máu cứu sống cô giáo ung thư và em bé

Giữa tháng 3/2020, Ngọc Lan bắt đầu có dấu hiệu khó đi lại, tiểu ra máu. Trong một lần khám thai, kết quả xét nghiệm cho thấy lượng tiểu cầu giảm quá sâu, cô được chỉ định nhập Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Cô vẫn nghĩ bị hạ tiểu cầu do biến chứng thai sản. Nhưng khi được chuyển lên tầng 7 - khoa ung thư, nỗi sợ hãi bắt đầu xâm chiếm cơ thể. Bác sĩ thông báo cô bị ung thư máu cấp tính, rất nguy hiểm tới cả mẹ lẫn con.

Như bất cứ bệnh nhân ngày đầu đón nhận thông tin "mình bị ung thư", cô giáo Lan muốn bỏ chạy, muốn chết thật nhanh, bằng cách... uống thuốc ngủ. Bình tĩnh và suy nghĩ về 30 năm cuộc đời, cô nói, có những sai lầm, những vấp ngã nhưng bản thân đã luôn cố gắng hết sức trong mọi việc, cố trở thành một người tốt và đem lại giá trị nhiều hơn cho cuộc đời.

Cô thương bố mẹ, chồng, con và những người đã dành cho mình nhiều tình yêu, dù chưa thể báo đáp hết. Đứng trước thời khắc sinh tử, cô mới hiểu được sống là điều quý giá đến thế nào.

Bệnh tiến triển nhanh, cô buộc phải sinh mổ để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và con. Tuy nhiên khả năng cầm máu rất thấp. Các bác sĩ tiên lượng sản phụ cần truyền nhiều máu và chế phẩm máu, cả trước, trong và sau ca mổ. Trong khi đó, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giai đoạn đầu, lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không còn nhiều. Bên cạnh đó, các bệnh nhân khác cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu máu trầm trọng.

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Cô Lan trước khi bước vào ca phẫu thuật mổ bắt con (Ảnh: BVCC)

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Nhóm học sinh tới Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đăng ký hiến máu trước ngày cô Lan phẫu thuật (Ảnh: BVCC)

Ngày 19/3, trên trang Facebook cá nhân, cô giáo Lan kêu gọi người thân, bạn bè và học sinh đến hiến máu. Cô xin lỗi nếu lỡ làm phiền mọi người trong mùa dịch bệnh, nhưng 1 - 2 ngày nữa khi phải mổ cấp cứu để lấy con ra, cô sợ sẽ thiếu máu và có thể dẫn đến tử vong.

"Nhóm máu nào cũng được và tình trạng rất nguy cấp, ảnh hưởng đến tính mạng. Mình xin mọi người hãy giúp đỡ mình", cô Lan khẩn thiết.

Bài viết đã nhận về gần 10.000 lượt chia sẻ, hàng chục nghìn bình luận, chỉ trong chiều 19/3, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận hơn 200 đơn vị máu.

"Đó là lần đầu tiên trong đời mình nhận được tình yêu và sự quan tâm của nhiều người đến vậy. Hàng chục nghìn người đã kêu gọi cộng đồng đến hiến máu cho mình và hàng trăm người đã đến bệnh viện để tặng cho mình những giọt máu quý giá", cô nhớ lại.

Có những em học sinh nói với Ngọc Lan rằng may mắn vừa qua sinh nhật 18 tuổi, đủ điều kiện hiến máu. Có cả những người xa xôi từ Thái Nguyên không màng mùa dịch Covid-19, đến bệnh viện trong tâm thế sẵn sàng giúp đỡ. Giọt máu cho đi, khi ấy, quý giá với Ngọc Lan, và cả những người bệnh khác.

Tiên lượng ca mổ hết sức khó khăn. Sản phụ có nguy cơ khó cầm máu do giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu, các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã hội chẩn nhiều lần với Bệnh viện Phụ sản Trung ương và quyết định mổ lấy thai ngay tại Viện.

Đó là một ca mổ nguy hiểm.

Các bác sĩ đã gặp riêng chồng cô, thông báo tiên lượng 50/50 cho cả 2 mẹ con. "Mình đã sẵn sàng cho cái chết và cảm thấy thanh thản một cách kỳ lạ". Cô đã trăn trối, dặn dò chồng đủ thứ. Anh bật khóc. Lần đầu tiên cô chứng kiến người chồng vốn mạnh mẽ và kiên cường của mình, bỗng có chút yếu lòng.

"Chồng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ anh ấy mà đi. Chính niềm tin đó đã giúp mình có thêm niềm tin và không sợ hãi. Mình vẫn cười, nghĩ rằng đây là lần cuối cùng mình được ngắm nhìn thế giới này".

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Ê kíp gần 20 y bác sĩ của 2 bệnh viện thực hiện ca mổ bắt con cho cô Lan (Ảnh: BVCC)

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Em bé chào đời khỏe mạnh, được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc (Ảnh: BVCC)

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Chồng cô giáo Lan bật khóc khi đón con gái (Ảnh: BVCC)

8 tiếng trước cuộc phẫu thuật. Ngọc Lan đã từng nghĩ mình sẽ chết và muốn lắng nghe trước thời khắc ấy. Chính những lời chia sẻ, tình yêu và sự quan tâm của mọi người, đã làm thay đổi suy nghĩ của cô.

"Mình muốn được sống. Chưa bao giờ, khát vọng sống lại lớn lao đến như vậy".

Ngày Quốc Tế Hạnh phúc 20/3 cũng là ngày Ngọc Lan lên bàn mổ. Ê kíp khoảng 20 y bác sĩ của Viện Huyết học và Phụ sản Trung ương cùng thực hiện. Bé gái nặng 2,8 cân chào đời, được đặt tên là Nguyễn Ngọc Linh Chi.

Khi cửa phòng phẫu thuật bật mở, được đón cô con gái bé nhỏ xinh xắn và nghe tin vợ mình đã an toàn sau ca mổ đầy hiểm nguy, người chồng đã không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc.

Hết thuốc mê, Ngọc Lan tỉnh dậy, em bé đã được đưa sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc. Sau một giấc ngủ sâu, chị biết rằng "mình lại sống rồi" và tâm lý rơi vào trạng thái cực khủng hoảng.

"Đã sống rồi, mình càng muốn sống nhiều hơn. Mình khóc rất nhiều, tiêu cực và nghĩ đây là dấu chấm hết của cuộc đời", cô nói.

Cô giáo bước vào đợt hóa trị đầu tiên khi cơ thể còn rất yếu. Mỗi lần ăn, cô lại nôn, rụng tóc, mệt mỏi, không thể cử động. Tiểu cầu hạ quá thấp, cô bị xuất huyết não, được chuyển gấp sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật. Ca mổ thành công, Ngọc Lan vẫn khóc, vì quá nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra chỉ trong một tháng.

Sau 3 ngày, cô được về nhà. Tròn một tháng, được gặp thiên thần bé nhỏ thơm hương sữa xin từ các bà mẹ khác.

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Sau mổ đẻ, cô Lan phải chọc 3 ven truyền liên tục các loại thuốc cả ngày lẫn đêm (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Tay cô do bị hạ tiểu cầu nên vỡ hết ven (Ảnh: NVCC)

Cơn ác mộng chưa chấm dứt

Tuy nhiên, cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt.

Tháng 6/2020, Ngọc Lan chính thức kết thúc điều trị và được xuất viện. Cả nhà đều vui mừng, chỉ riêng cô vẫn tiếp tục khóc và nghĩ về cái chết. "Ung thư mà, khả năng tái phát và nặng hơn là rất cao. Dù bệnh có thuốc đích, tiên lượng tốt, có những người hơn 10 năm vẫn ổn. Nhưng mình vẫn lo sợ", cô nói.

Cơ thể yếu ớt, dễ cảm lạnh, tâm trạng tồi tệ. Cô dành cả ngày chỉ khóc lóc và tiêu cực. Những lời động viên từ mọi người rằng phải lạc quan, nhưng cô cảm thấy sao vô nghĩa và sáo rỗng đến thế? Từ một người tích cực, đầy năng lượng, cô đã tự biến mình thành một kẻ tiêu cực, xấu xí và thất bại.

"Mình rơi vào trầm cảm trầm trọng, không muốn giao tiếp với ai, trở nên tự ti, chán ghét bản thân. Mình chỉ ước không bị bệnh, cuộc sống hẳn sẽ tươi đẹp biết bao".

Rồi một ngày Ngọc Lan biết về khả năng chữa lành của cơ thể. Trên thế giới có những người có thể kéo dài sự sống 17 - 20 năm dù bệnh ở giai đoạn muộn. "Còn nhiều cơ hội, tại sao mình không cố gắng để được ở lâu hơn bên gia đình, để thực hiện những ước mơ trong cuộc sống". Từ đó, cô bắt đầu tìm một con đường riêng chữa bệnh cho bản thân.

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Sau một năm, cô Lan chia sẻ câu chuyện của bản thân

Cô giáo bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống "healthy" hơn, cắt bỏ hoàn toàn thịt 4 chân, chỉ ăn thịt gà và cá, ăn nhiều rau, giảm tinh bột, uống thật nhiều nước rau xanh, sinh tố rau. Ngoài ra, cô tập thể dục thường xuyên, như yoga, boxing, chạy bộ, khiến bản thân thật sự bận rộn để quên đi bệnh tật.

Cô tập trung vào công việc giảng dạy, giúp đỡ những người xung quanh, làm tất cả mọi thứ cho những người mình yêu thương "như thể hôm nay là ngày cuối cùng", đi du lịch sau mỗi lần đi khám định kì để ăn mừng. Chưa bao giờ cô thấy khỏe mạnh như thế, có thể chạy được 5km - phá vỡ giới hạn của bản thân, leo 39 tầng cầu thang, dậy sớm ngủ sớm nên thấy minh mẫn, khoẻ mạnh, và còn nhiều ý tưởng sáng tạo cho công việc hơn trước.

"Và... mình đã tìm lại chính mình, biết yêu bản thân, không còn khóc lóc, tự ti trầm cảm nữa. Mình đã tìm lại được con người của ngày xưa để có thể tiếp tục sáng tạo, đam mê và cống hiến cho công việc, hưởng thụ cuộc sống. Sau nhiều tháng không thể cười 1 cái nào, không thể nói 1 câu đùa với ai thì bây giờ mình đã có thể cười toe toét và 'chém gió' rồi".

Dù ung thư vẫn rất đáng sợ, nhưng Ngọc Lan gửi một lời cảm ơn tới căn bệnh đã giúp cô trải nghiệm để sống sâu hơn và đong đầy yêu thương. Còn sống ngày nào, cô vẫn cháy hết mình ngày đó, cháy trong đam mê công việc, trong tình yêu với những người yêu thương. Cô nói, vì đời vô thường mà, đầy người đang bình thường cũng có thể mang bệnh. "Kể cả bạn đang khỏe mạnh cũng không thể biết được tương lai sẽ ra sao nên cứ vui đi".

Ngọc Lan dành nhiều tháng để đọc sách về ung thư, nhờ vốn tiếng Anh sẵn có, cô tham khảo kiến thức y tế nước ngoài. Cô nhận ra, yếu tố về ăn uống, sinh hoạt đóng vai trò quan trọng. "Khi chưa bị bệnh, hãy biết chăm sóc sức khỏe của mình, để không phải hối hận", cô nói.

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn'

Em bé Kem tròn một tuổi, cả gia đình chụp bức ảnh bên nhau (Ảnh: NVCC)

Theo cô giáo Lan, điều đầu tiên, chúng ta phải có kiến thức, xây dựng niềm tin vững chắc để theo đuổi những chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, mà không sợ bị những người xung quanh cho là "lập dị". "Tại sao phải ăn uống khổ sở như thế?".

Thứ 2, các bạn trẻ cần duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày, hoặc ít nhất 3 lần/tuần. Mỗi ngày, Ngọc Lan dậy từ 6h sáng, dành một tiếng để chạy bộ.

Chế độ ăn uống là điều được cô giáo quan tâm thứ 3. Cụ thể, chúng ta nên hạn chế ăn thịt bò, lợn, tốt nhất là ăn cá, đặc biệt ăn nhiều rau xanh. Các loại rau tốt nhất là kale, rau bó xôi, mầm bông cải xanh, xà lách, cà rốt. Cần tránh xa đường và các loại đồ ăn đóng sẵn, nước ngọt,...

Cuối cùng, hãy biết sinh hoạt điều độ. Ngày xưa, mỗi lần đi dạy về muộn, Ngọc Lan đều chấp nhận bữa tối ăn muộn, kéo theo giấc ngủ muộn, rất có hại cho sức khỏe. Nếu dậy sớm, bạn có thể duy trì thói quen ngủ từ 10h - 11h đêm, cơ thể sẽ khỏe khoắn hơn rất nhiều, làm việc năng suất, đầu óc minh mẫn.

"Không nhất thiết phải thay đổi cùng một lúc, chúng ta tập điều chỉnh từng thói quen. Hồi đầu, mình cũng bị stress bởi quá nhiều thứ. Nhưng mình bước từng bước chậm rãi, uống nước rau, tập thể dục, thay đổi lịch ngủ. Thậm chí mình có một bạn HLV hướng dẫn mình cách dậy sớm".

Khi Ngọc Lan bắt đầu thay đổi được, cô đã chia sẻ với mọi người về chế độ ăn uống và cách sống của mình. Cô không muốn những bạn trẻ rơi vào hoàn cảnh như mình, mà phải sống thật khỏe mạnh, tốt hơn.

Một năm trôi qua, Ngọc Lan nói rằng cô và con đều may mắn vì còn sống vui vẻ và hạnh phúc. Em bé trộm vía phát triển bình thường, thông minh và khỏe mạnh. Mỗi tháng một lần, cô quay lại bệnh viện để thăm khám.

Nhờ ông bà nội ngoại hai bên, người thân họ hàng chăm sóc bé Linh Chi, cô có thể yên tâm làm việc. Cách đây nửa năm, ngày đầu tiên quay lại trung tâm tiếng Anh của mình, cô nhận được 999 ngôi sao từ các em học sinh cùng bức thư, "điều ước lớn nhất của chúng con là cô hãy thật mạnh mẽ vượt qua bệnh tật. Mong cô sống thật vui, hạnh phúc bên gia đình và tất cả học sinh của cô".

Lời tâm sự: Các bạn hãy trân trọng cuộc sống và sức khỏe nhiều hơn

Nếu chưa bị bệnh, mình của ngày xưa rất chủ quan với sức khỏe. Nhưng bây giờ, mình biết sức khỏe quan trọng đến thế nào, không thể xóa đi làm lại được nữa. Kể cả nếu không phải ung thư, cũng sẽ là những căn bệnh khác.

Mình từng nghĩ, sẽ cho con học trường chuyên lớp chọn, học Đông học Tây, thành người tài giỏi này nọ. Bây giờ mình nghĩ điều mình dạy con đầu tiên là kiến thức về sức khỏe, làm sao để bảo vệ sức khoẻ của mình và người thân mới là điều quan trọng nhất cuộc đời.

Mình thực sự biết ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ mình cách đây một năm, để mình vẫn có thể tiếp tục được sống đến ngày hôm nay. Nếu bạn đã từng hiến máu thì hãy cảm thấy tự hào vì bạn đã cứu được 1 ai đó trên thế giới này.

Mình không biết liệu bản thân sống được bao lâu nữa, nên thời gian tới, thà làm những điều ý nghĩa còn hơn cứ ngồi khóc lóc, không giải quyết được gì, còn làm người thân khổ thêm. Mình mong các bạn trân trọng cuộc sống và sức khỏe nhiều hơn, vì không phải chỉ sống cho bản thân, mà còn sống cho cả người thân nữa. Sống cho những người khác bạn sẽ có động lực để giữ gìn sức khỏe.

Ung thư không chừa một ai, mình hy vọng câu chuyện của bản thân có thể truyền cảm hứng tới mọi người, giúp ai đó vượt qua bóng tối và sống tích cực hơn.

 

Theo xahoi.com.vn

Cô giáo Hà Nội mắc ung thư ở tháng cuối thai kì, được hàng ngàn người kêu gọi hiến máu: 'Các bạn trẻ hãy trân trọng sức khỏe nhiều hơn' - Đời Sống