Chiến thuật mồi nhử của Nga khiến phòng không Ukraine dính bẫy

11/02/2023 11:05
(Dân trí) - Quân đội Nga đã sử dụng chiến thuật đánh lạc hướng nhằm vào hệ thống phòng không Ukraine.

 

Chiến thuật mồi nhử của Nga khiến phòng không Ukraine dính bẫy

Các UAV do Iran sản xuất đang thực sự trở thành một thách thức với phòng không Ukraine (Ảnh: AP).

Trong thông báo cập nhật tình hình chiến sự vào tối 10/2, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tập kích tên lửa với quy mô rất lớn nhằm vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ nước này.

"Nga đã phóng hơn 100 tên lửa trong cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhằm vào nhiều vùng lãnh thổ của chúng ta. Theo những thống kê ban đầu, 29 tên lửa phòng không S-300 được cải tiến để tấn công mặt đất cùng 71 tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển đã được sử dụng. Quân đội Ukraine đã bắn hạ 61 tên lửa của Nga", thông báo trên viết.

Từ con số được đưa ra bởi giới chức quốc phòng Ukraine, giới quan sát nhận định tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của tên lửa Nga đã tăng lên trong cuộc tập kích này. Trong các đợt tập kích trước đó, quân đội Ukraine thường xuyên khẳng định đã bắn hạ toàn bộ tên lửa hành trình của Nga.

Cảnh đổ nát tại thủ đô Kiev sau vụ tập kích của UAV cảm tử Nga vào tháng 12/2022 (Ảnh: Reuters).

Theo Defense Express, nguyên nhân của sự tiến bộ trên là do Nga đã áp dụng chiến thuật mồi nhử để đánh lạc hướng phòng không Ukraine.

Theo đó, trước mỗi đợt tập kích tên lửa quy mô lớn, Nga sẽ phóng nhiều máy bay không người lái (UAV) cảm tử vào các vị trí của Ukraine.

"Nga thường xuyên sử dụng UAV trong những đợt tấn công đầu tiên để thám thính tình hình, phá hủy vũ khí phòng không và làm quá tải mạng radar giám sát của chúng tôi. Sau đó họ mới phóng tên lửa", bà Natalia Humeniuk, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh tác chiến phía Nam Ukraine, thừa nhận.

Không chỉ sử dụng UAV cảm tử, Nga được cho là còn bắn xen kẽ tên lửa không chứa đầu đạn cùng hỏa tiễn từ pháo phản lực phóng loạt trong các đợt tập kích dữ dội nhằm vào Ukraine. Các loại vũ khí này sẽ khiến lực lượng phòng không Ukraine phải phân tán lực lượng, và để lộ nguy cơ bỏ lọt những tên lửa hành trình có sức công phá lớn của Nga.

Hệ thống phòng không Ukraine vẫn bao gồm nhiều loại tên lửa cũ được sản xuất từ thời Liên Xô (Ảnh: Military Review).

Defense Express cũng nhận định các quan chức cấp cao của Ukraine đã nắm được chiến thuật trên. Vì vậy, Kiev đã liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây viện trợ thêm vũ khí phòng không nhằm gia cố cho "lưới lửa" đang dần bị quá tải. Sau khi Mỹ quyết định gửi các tổ hợp NASAMS và Patriot, thời gian gần đây, Italy và Pháp cũng đang hoàn thành những bước cuối cùng trong việc chuyển giao tổ hợp phòng không SAMP/T cho Kiev.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự nhận định việc chuyển giao các tổ hợp phòng không tiên tiến từ phương Tây vào thời điểm này đã là quá muộn. Hạ tầng năng lượng Ukraine, những mục tiêu bảo vệ quan trọng nhất của tổ hợp phòng không này đã bị tàn phá nặng nề sau những đợt tấn công trước đây của quân đội Nga. Trong cuộc tập kích hôm 10/2, nhiều cơ sở năng lượng quan trọng của Ukraine tại 6 khu vực đã bị đánh trúng. Nhiều nhà máy thủy điện và nhiệt điện đã bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, 2 nhà máy điện hạt nhân của Kiev cũng phải dừng hoạt động để giảm thiểu rủi ro.

Theo Defense Express, Ukrainska Pravda

Theo Nguồn dantri.com.vn

Chiến thuật mồi nhử của Nga khiến phòng không Ukraine dính bẫy - Đời Sống