Chiến lược giúp chàng trai miền núi giành học bổng vào ĐH top đầu thế giới

06/06/2023 09:18
Gia đình chỉ có thể chi trả khoản tài chính khiêm tốn, Hoàng Nguyên lo lắng đây sẽ là bất lợi cho em khi ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ.

 

“Các trường ĐH Mỹ thường đưa ra những chính sách tuyển sinh khác nhau, trong đó, nhiều trường cân nhắc đến yếu tố tài chính gia đình để quyết định việc lựa chọn ứng viên. Đây là một bất lợi với em khi đồng lương giáo viên của ba mẹ không thể đủ cho em theo học”, Nguyễn Hoàng Nguyên, cậu học trò lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk), nói.

Sớm xác định sẽ đi du học, từ năm lớp 9, Hoàng Nguyên đã vạch ra mục tiêu rõ ràng. Bước đệm đầu tiên trên hành trình ấy là phải thi đỗ vào trường chuyên. Cậu học trò quê Đắk Song, Đắk Nông cho biết: "Trường chuyên sẽ là nơi giúp em gặp được những người bạn có cùng giấc mơ du học như mình”.

Nhưng thay vì theo học tại Đắk Nông, Hoàng Nguyên lại quyết định đăng ký vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tại Đắk Lắk – nơi cách nhà hơn 100km.

“Em ấn tượng với sự sôi nổi của các phong trào ngoại khóa và sự năng động của học sinh tại đây. Ngoài ra, trường cũng có hai câu lạc bộ về hùng biện và thiện nguyện – giáo dục mà em rất yêu thích. Vì thế, em đã thuyết phục bố mẹ đồng ý với quyết định này”.

Bố mẹ của Nguyên vốn là giáo viên Ngữ văn bậc THPT tại Đắk Nông. Dù còn nhiều băn khoăn, nhưng cả hai vẫn tôn trọng lựa chọn của con.

Suốt 3 năm học tập dưới mái trường này, với Hoàng Nguyễn, đã mở ra cho em rất nhiều cơ hội về ngoại khóa và học thuật.

Chiến lược giúp chàng trai miền núi giành học bổng vào ĐH top đầu thế giới

Nguyễn Hoàng Nguyên là học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk)

Yêu thích tranh biện, Hoàng Nguyên bắt đầu tham gia vào câu lạc bộ của trường. Đến năm lớp 11, Nguyên trở thành chủ tịch câu lạc bộ tranh biện, đồng thời cũng là người sáng lập ra giải “Tranh biện mở rộng Tây Nguyên”. Trong năm đầu tiên, giải thu hút 150 học sinh đến từ hơn 15 tỉnh thành khác nhau tham gia.

Hoàng Nguyên cho biết, mặc dù ở Việt Nam, các giải tranh biện thường được tổ chức rất nhiều nhưng lại có rất ít sân chơi dành cho những người mới bắt đầu. Vì vậy, mong muốn của em khi tổ chức giải này là hướng đến những đối tượng ấy.

Nguyên cũng mời giám khảo là những chuyên gia em từng gặp trong các cuộc thi tranh biện để đánh giá chất lượng đề và tham gia vào các buổi huấn luyện chuyên môn.

Ngoài tranh biện, vì yêu thích mảng kinh tế và cũng mong muốn theo đuổi chuyên ngành này ở bậc đại học, Nguyên đã dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu.

Từng không ít lần chật vật với các khái niệm, nguyên lý về kinh tế học, trong khi bộ môn học này chưa xuất hiện trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, Nguyên mong muốn có thể đem những mảng nội dung ấy đến gần hơn với những học sinh có cùng sở thích.

Thời điểm là trưởng ban chuyên môn của Tổ chức giáo dục Kinh tế trẻ GlobEcom, Hoàng Nguyên cùng nhiều bạn trẻ đã xây dựng chiến dịch WikiEcon – nơi cung cấp các bài viết xoay quanh kiến thức thuộc lĩnh vực kinh tế.

Trong vòng 2 tháng, nhóm đã dịch hơn 300 bài viết Wikipedia từ tiếng Anh sang tiếng Việt về chủ đề kinh tế học. Đây cũng trở thành một kênh tham khảo cho những học sinh Việt Nam đang cần tìm kiếm nguồn thông tin cơ bản về kinh tế.

Chiến lược giúp chàng trai miền núi giành học bổng vào ĐH top đầu thế giới

Đến năm lớp 11, Hoàng Nguyên quyết định thử sức nộp hồ sơ vào trường GHIS - một ngôi trường nội trú quốc tế ở Israel. Nguyên xem đây là bước “chạy đà” để nộp hồ sơ vào đại học Mỹ.

“Do ngôi trường GHIS dạy theo chương trình Tú tài quốc tế IB, nếu đỗ vào trường, cơ hội đến Mỹ của em sẽ rộng mở hơn vì các trường Mỹ đánh giá rất cao chương trình này. Em đã tự tìm hiểu các bước và làm hồ sơ, không ngờ lại trúng tuyển”, Nguyên nói.

Cậu học sinh Đắk Nông năm ấy giành được suất học bổng trị giá 42.000 USD và sẽ sang Israel học trong vòng 2 năm. Tuy nhiên sau đó, vì lý do gia đình, Nguyên đành gác lại suất học bổng này và tiếp tục theo học bậc phổ thông ở Việt Nam.

“Nếu tài chính hạn hẹp, cần phải có chiến lược rõ ràng”

Quãng thời gian sau đó, Nguyên tiếp tục tham gia các cuộc thi để củng cố cho bộ hồ sơ du học.

Tại cuộc thi Olympic Kinh tế Việt Nam, Nguyên vượt qua 3.000 thí sinh khác để trở thành một trong 5 thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Kinh tế học quốc tế. Nam sinh sau đó đã giành được Huy chương Đồng.

Ngoài ra, Nguyên còn là Á quân của Kỳ thi Olympic Toán học thế giới Pangea (PMW), từng giành nhiều huy chương ở bộ môn tiếng Anh.

Năm 2022, Nguyên đem mô hình hỗ trợ du học, giúp tối ưu hóa chi phí tham gia cuộc thi Young Tycoons Business Challenge, sau đó lọt vào top 0,25% thế giới.

Với bảng hồ sơ dày đặc thành tích, Hoàng Nguyên quyết định nộp đơn vào một số đại học của Mỹ, Singapore và Tây Ban Nha.

Đa dạng hóa lựa chọn bằng việc đăng ký thêm nhiều nước khác ngoài Mỹ, Nguyên lý giải: “Bố mẹ em đều là giáo viên. Do đó, số tiền gia đình có thể đóng góp nếu em đi du học Mỹ cũng khá khiêm tốn. Không có học bổng, việc du học của em hoàn toàn không thể. Thậm chí, nếu chỉ nhận được học bổng một phần, số còn lại cũng là gánh nặng rất lớn đối với gia đình em”.

Tuy nhiên, Nguyên cũng cho rằng, dù “apply” các trường ngoài Mỹ sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhưng việc giành học bổng toàn phần thường khá khó khăn do các nước chủ yếu hỗ trợ sinh viên quốc tế khoảng 30 – 50% học phí.

“Khi tìm kiếm các trường ở Mỹ, em thường tìm hiểu khá kỹ về yếu tố tài chính. Các trường thường áp dụng một số chính sách tuyển sinh khác nhau, trong đó phổ biến chính sách “need-blind” (không cân nhắc đến khả năng đóng góp của ứng viên) và “need-aware” (xem xét đồng thời chất lượng hồ sơ và điều kiện tài chính của ứng viên).

Với những trường “need-aware”, mức tài chính đóng góp dưới 15.000 USD là đáng báo động và gây bất lợi cho học sinh quốc tế”.

Chiến lược giúp chàng trai miền núi giành học bổng vào ĐH top đầu thế giới

Lần lượt nhận được thư từ chối hoặc rơi vào danh sách chờ kết quả của các trường Mỹ, Hoàng Nguyên từng hụt hẫng, dần mất hy vọng.

Tuy nhiên, ngôi trường cuối cùng thông báo kết quả - Đại học Duke (nằm trong top 25 thế giới) - đã chấp thuận hồ sơ của Nguyên và sẵn sàng cấp cho em học bổng toàn phần, bao gồm cả sinh hoạt phí, vé máy bay... Năm nay, Đại học Duke nhận gần 50.000 hồ sơ, nhưng chỉ chọn ra hơn 2.000 ứng viên vào trường.

“Kết quả này rất bất ngờ. Trước đó, em cũng từng biết có người bị tới 18 trường từ chối và chỉ được nhận vào 2 trường, nhưng một trong số đó lại là Đại học Princeton, ngôi trường top đầu của Mỹ”.

Việc nộp hồ sơ vào đại học Mỹ hiện nay, theo Nguyên đánh giá, khá “may rủi”.

“Ban tuyển sinh không chỉ đánh giá dựa trên năng lực mà còn quyết định bởi nhiều yếu tố mà ứng viên không thể kiểm soát được, ví dụ: Bố mẹ bạn từng học ở trường này hay không? Các bạn có phải là vận động viên hay không? Bố mẹ các bạn có khả năng đóng góp tài chính cho trường hay không?...

Thậm chí, nhiều thầy cô trong hội đồng tuyển sinh từng nói rằng, nhiều lúc họ từ chối một hồ sơ không phải vì bộ hồ sơ đó yếu mà là đã trùng lặp với hồ sơ trước đó”.

Vì thế, Hoàng Nguyên cho rằng, khi nộp hồ sơ Mỹ, điều quan trọng nhất, ứng viên cần phải có niềm tin vào bản thân.

“Các bạn thường dễ mất niềm tin vào năng lực của mình nếu chẳng may bị đánh trượt. Bản thân em cũng từng như thế. Em đã đặt rất nhiều câu hỏi rằng: Mình đã có đủ tốt hay chưa? Mình đang thiếu những điều gì?...

Nhưng thực tế, rất khó đánh giá toàn diện một người chỉ qua một bài luận, vài hoạt động ngoại khóa hay thành tích học thuật. Cho nên, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng đối mặt, không bao giờ mất niềm tin vào bản thân”, Hoàng Nguyên nói.

Thúy Nga

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Chiến lược giúp chàng trai miền núi giành học bổng vào ĐH top đầu thế giới - Gia Đình