Văn học thiếu nhi trước ngưỡng cửa mới

18/03/2023 09:42
Trở về sau trại sáng tác Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Trầm Hương bày tỏ: buổi tọa đàm đã truyền cho chị niềm cảm hứng viết tiếp cuốn sách Cổ tích cho con (Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Phương Nam, in năm 2000). “Chất liệu thì mênh mang. Với tôi, viết cho thiếu nhi là rất cần nhưng cũng rất khó. Viết cho thiếu nhi mà người lớn vẫn cần đọc, muốn đọc, đồng cảm, điều chỉnh mình càng khó” - nhà văn Trầm Hương chia sẻ.

 

Văn học thiếu nhi trước ngưỡng cửa mới

Các tác phẩm văn học thiếu nhi của những người viết trẻ đã và sắp ra mắt

Nhà văn Võ Thu Hương (tác giả Nụ cười Chim Sắt, giải B giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015) nói chị ấp ủ viết một tác phẩm về các cô bé, cậu bé ở Sài Gòn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Chị kể, trong quá trình trò chuyện với các nhân vật là biệt động Sài Gòn, chị đã nghe được những câu chuyện rất hay về thế hệ tuổi thơ lớn lên trong bom đạn. Ở góc nhìn lịch sử, đây cũng chính là chất liệu quý giá cho người cầm bút. Đề tài này rất ít được khai thác trong các tác phẩm văn học thiếu nhi lâu nay.

Còn nhà văn trẻ Võ Chí Nhất vốn theo đuổi thể loại văn học trinh thám, sau cuộc tọa đàm đã cho biết mình vô cùng hào hứng vì từ lâu đã rất muốn “bẻ lái” viết truyện trinh thám cho thiếu nhi. Tọa đàm “Chất liệu nào cho văn học thiếu nhi hôm nay?” vỡ ra nhiều điều và cũng mở ra nhiều cơ hội cho cây bút trẻ dấn bước vào địa hạt này. “Tại hội thảo, các nhà văn tiền bối cho rằng, thiếu nhi là giai đoạn đầu của người trưởng thành, rất dễ bị tổn thương. Do đó, nhà văn phải sử dụng các chất liệu các em có thể hiểu, nghe, nhìn thấy, phải làm sao cho trẻ cảm nhận được cuộc sống và đặc biệt là tình yêu thương con người. Tôi cũng nghĩ mình phải viết một vài tác phẩm trinh thám ly kỳ cho các em” - nhà văn Võ Chí Nhất bày tỏ.

Ai cũng có thể viết cho trẻ nhỏ và thể loại nào cũng tốt. Chân trời sáng tạo là vô cùng. Điều quan trọng là viết thế nào để tác phẩm hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi. Những năm qua, bên cạnh những tên tuổi quen thuộc, đã thấy sự xuất hiện của những cây bút mới thử sức với văn học thiếu nhi.

Văn học thiếu nhi trước ngưỡng cửa mới

Luôn là mảnh đất màu mỡ

Trong danh sách tác phẩm mới cũng như sách bán chạy của Nhà xuất bản Kim Đồng thời gian qua là các tựa: Cá linh đi học (Lê Quang Trạng), Trong sương thương má (Trương Chí Hùng), 100 cửa sổ (Phát Dương); Rồi nắng cũng lẻ loi (Nguyễn Chí Ngoan), Những chuyến tàu đi (Nguyên Hương), Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân)…; sắp phát hành có Vương quốc ngộ nghĩnh của Nguyễn Thị Kim Hòa.

Nhìn từ các tựa sách mới được lên kệ cũng như nhiều tác phẩm đã phát hành lâu nay, có thể thấy chất liệu cho sáng tác văn học thiếu nhi rất phong phú. Từ miền Tây sông nước, nơi gió cát miền Trung đến vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Ký ức tuổi thơ, những trải nghiệm cá nhân cũng như nguồn cảm hứng từ trẻ nhỏ trong gia đình. Các thể loại kỳ ảo, viễn tưởng hay chịu ảnh hưởng từ phong cách sáng tác truyện thiếu nhi nước ngoài; tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình bạn/tình thầy trò hay truyền tải thông điệp lớn lao hơn về bảo vệ môi trường/động vật hoang dã… Tất cả đều được tìm thấy trong các tác phẩm văn học thiếu nhi hiện nay. Mỗi câu chuyện là một mảng màu/phong cách cùng góp nên bức tranh đa sắc, nhiều chiều kích.

Văn học thiếu nhi trước ngưỡng cửa mới

“Khi nghĩ về chuyện viết cho thiếu nhi, tôi bắt đầu tự hỏi, nếu Harry Potter ở miền Tây thì có vừa chống xuồng vừa dùng phép thuật? Có những sinh vật huyền bí gì ở quê tôi? Có ai đưa tất cả những thứ ấy, trong một góc nhìn huyền ảo, đến với các em chưa? Nếu chưa thì tôi sẽ viết. Nếu đã có, tôi sẽ cố gắng đưa thêm góc nhìn của tôi cho các em. Những sáng tác văn học có giá trị chưa bao giờ dư thừa” - cây bút trẻ Phát Dương (Hội viên Hội Nhà văn Cần Thơ) tâm tình. Phát Dương vừa ra mắt tác phẩm thiếu nhi đầu tay 100 cửa sổ (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đây là một loạt tác phẩm cho trẻ thơ khai thác yếu tố phù thủy - phép thuật, tác giả cho biết vừa hoàn thành tập 2 của 100 cửa sổ.

Ở góc độ văn học trinh thám, nhà văn Võ Chí Nhất cho rằng với văn học thiếu nhi hiện nay, thể loại này đang là một khoảng trống cần được lấp đầy. “Tôi nghĩ hoàn toàn có thể dựng lại từ những câu chuyện mà các em được người lớn kể vào mỗi tối để tạo cảm giác gần gũi. Hoặc có thể lấy chất liệu từ cánh diều, khu rừng, trường lớp… và pha vào đó một vài kiến thức khoa học giúp các em thêm phần thích thú, để các em thích đọc trước đã rồi mới tính đến chuyện gửi kèm những thông điệp ý nghĩa hơn. Quan trọng vẫn là cách dẫn dắt câu chuyện thật tự nhiên và chủ đề tác phẩm phù hợp với lứa tuổi. Một cốt truyện trinh thám thú vị sẽ làm nên một truyện trinh thám thú vị” - nhà văn Võ Chí Nhất chia sẻ.

Sự “vào cuộc” của những người trẻ hứa hẹn tạo thêm những làn gió tươi mới trong những trang viết cho trẻ nhỏ. Với những nhận diện và ý thức, trách nhiệm cùng bản lĩnh, nghiêm túc của người cầm bút, hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng vào một thế hệ sẽ “làm nên chuyện” cho văn học thiếu nhi trong tương lai.

Lục Diệp

   
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

Văn học thiếu nhi trước ngưỡng cửa mới - Đời Sống